Chọn giống Giống trâu

Việt Nam có một kho tàng kinh nghiệm liên quan đến việc nuôi trâu từ khâu chọn giống cho đến khi chăm sóc. Theo kinh nghiệm thì khi mua trâu nên mua trâu ở các vùng núi phía Bắc, tránh mua trâu ở miền Trung hoặc miền Nam vì trâu phía Bắc chịu rét tốt hơn. Khi mua trâu về bắt buộc phải tiêm phòng các loại bệnh dịch tả, tụ huyết trùng, lở mồm long móng và tẩy giun sán cho đàn trâu. Quan trọng nhất là phải tránh muỗi, mòng cắn trâu[3] Khi nuôi trầu cần nhớ mặt mũi từng con một, cách ăn uống của chúng, tính nết của từng con trâu một trong dân gian có câu "Mua trâu xem vó, mua chó xem chân".

Người Việt có nhiều kinh nghiệm trong chọn trâu

Trước tiên, để chọn trâu tốt thì cần chú ý đến chân tay của trâu con (nghé), chân tay càng to khỏe đồng nghĩa với việc, nghé càng khỏe mạnh, thứ hai là màu lông và màu da, nghé có màu lông và da càng đen càng tốt, thứ ba là khoáy, nghé có 4 khoáy chuông là trâu tốt[4]. Ngoài ra, theo kinh nghiệm của người dân nơi đây, hình thức, đặc điểm của con trâu còn báo trước rằng gia chủ gặp phúc hay họa. Khi đi chợ mua trâu cũng đều thuộc nằm lòng câu "đầu tang, xoáy tóc, hàm sà, trong ba thứ ấy cửa nhà ra đi", đó là tiêu chí cần tránh trước tiên. Người ta còn rất kị loại "trâu cười" tức là đêm đến khi dùng đèn soi vào mặt thì nó nhe răng, hay trâu "tam trinh" tức ba mắt có một cục lồi giữa trán giống như con mắt thứ ba, hay trâu "bạch thiệt" (trắng lưỡi) hay loại bị "đốm đuôi" (đuôi bị trắng)[5].

Thời điểm trâu lớn nhanh là vào tháng 5 đến tháng 6, khi đó tranh thủ thời gian chuyển vụ giữa vụ lúa xuân và vụ mùa, thả trâu cả đêm ngoài đồng để trâu ăn các mầm lúa non mà người dân quen gọi là "trau lúa". Tuy nhiên đến mùa đông, trâu thường chịu rét kém nên cần phải chăm sóc tốt, bảo đảm đủ cỏ tươi, giữ ấm cho đàn trâu và tuỳ thời tiết mà chăn thả cho phù hợp. Không nên chăn thả lẫn với các đàn trâu khác, những ngày rét phải pha nước muối ấm cho trâu uống và thả muộn, khi trời đã tan giá và đưa trâu về sớm hơn thường ngày, như vậy vừa tạo điều kiện để trâu, bò có thời gian vận động, thích nghi dần với thời tiết và tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có ngoài tự nhiên, dành thức ăn chuẩn bị sẵn cho các đợt rét khác[6]. Kinh nghiệm muốn lãi nhanh phải biết chọn thời cơ mua trâu ở đồng rừng về chăn thả[7].

Tuổi của trâu là một tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng quan trọng của một con trâu, căn cứ vào quy luật mọc răng, thay răng và mức độ mòn của răng (đối với răng cửa hàm dưới) người ta có thể biết được tuổi trâu. Cách xác định tuổi trâu như sau:

  • Đối với nghé (trâu con) khi thấy đã mọc đủ 8 răng sữa thì nó đã được 6-7 tháng tuổi.
  • Đối với trâu, khi thấy 2 răng sữa chính giữa (răng số 1) rụng là trâu được 20-22 tháng tuổi. Từ tuổi này, trâu bắt đầu thay từ răng sữa thành răng trưởng thành; có thể căn cứ vào đó để xác định thời gian.
  • Nếu thấy 2 răng trưởng thành chính giữa (răng số 1) mọc bằng, đồng thời 2 răng sữa áp chính giữa (răng số 2) rụng, là trâu 2 năm tuổi.
  • Khi 2 răng trưởng thành áp chính giữa (răng số 2) mọc bằng là trâu đã 3 tuổi.- Nếu 2 răng sữa áp góc (răng số 3) rụng, trâu đã 3 tuổi rưỡi.
  • Khi 2 răng trưởng thành áp góc (răng số 3) mọc bằng, trâu 4 tuổi.
  • Khi 2 răng sữa ở góc (răng số 4) rụng, trâu đã được 4 tuổi rưỡi.
  • Nếu 2 răng trưởng thành ở góc (răng số 4) mọc là trâu 5 tuổi. Đến đây, trâu đã thay xong toàn bộ 8 chiếc răng cửa hàm dưới.
  • Nếu 2 răng ở góc (răng số 4) bắt đầu mòn, các răng khác đã mòn thành hình vệt dài, trâu đã 6 tuổi.
  • Khi 2 răng áp góc (răng số 3) mòn thành hình tròn và 2 răng chính giữa (răng số 1) mòn thành hình vuông là trâu 9 tuổi.
  • Nếu 2 răng chính giữa (răng số 1) xuất hiện sỉ tinh tròn (dấu vết còn lại của tuỷ răng) là trâu 12 tuổi. Cuối cùng, khi thấy các răng ngắn, thưa dần và lung lay là trâu đã 13 tuổ, già yếu.